Các Lệnh Linux Cơ Bản Cho Lập Trình Viên Mà Mọi Người Cần Biết

Các lệnh cơ bản trong Linux là điều mà bất cứ lập trình viên nào cũng cần biết khi làm việc. Với tính linh hoạt, mạnh mẽ và khả năng tùy chỉnh cao, Linux đã trở thành một nền tảng ưa thích cho việc phát triển và triển khai ứng dụng. Tuy nhiên, để tận dụng được sức mạnh của Linux, lập trình viên cần phải nắm vững một số lệnh cơ bản để thao tác trên hệ thống một cách hiệu quả. Vậy, đó những lệnh nào?

Các lệnh cơ bản trong Linux

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các lệnh cơ bản mà mọi lập trình viên nên biết khi làm việc trên Linux. Những lệnh này không chỉ giúp bạn quản lý tệp tin và thư mục một cách dễ dàng mà còn hỗ trợ trong quá trình phát triển ứng dụng và thực hiện các tác vụ hệ thống quan trọng.

1. Lệnh pwd

Lệnh pwd là viết tắt của “print working directory” và được sử dụng để hiển thị đường dẫn đến thư mục hiện tại mà bạn đang làm việc trong hệ thống tệp của bạn. Khi bạn chạy lệnh này, hệ thống sẽ trả về đường dẫn của thư mục hiện tại, giúp bạn biết được vị trí chính xác của mình trong cấu trúc thư mục của hệ thống.

Khi sử dụng lệnh pwd, hệ thống sẽ hiển thị cho bạn vị trí của thư mục hiện tại bằng một đường dẫn với các phần được phân cách bằng dấu gạch chéo (/). Lệnh này rất hữu ích khi bạn cần xác định vị trí của mình trong hệ thống tệp, đặc biệt khi bạn làm việc với các tệp và thư mục trong Linux.

các câu lệnh linux cơ bản
Ví dụ lệnh pwd

2. Lệnh cd

Lệnh cd được sử dụng để thay đổi thư mục làm việc hiện tại của bạn trong hệ thống tệp của Linux. Với lệnh cd, bạn có thể di chuyển từ một thư mục sang một thư mục khác. Lệnh này là một phần quan trọng của việc quản lý hệ thống tệp trong Linux. Cú pháp cơ bản của lệnh cd có dạng như sau: cd [đường_dẫn]

Một số cách sử dụng lệnh cd trong Linux là:

  • cd: Nếu không đi kèm với đường dẫn, lệnh sẽ đưa bạn trở về thư mục home.
  • cd/ : Lệnh chuyển về thư mục gốc
  • cd.. : Lệnh chuyển về thư mục cha
  • cd- : Lệnh chuyển về thư mục trước đó
  • cd <đường_dẫn_tuyệt_đối>: Lệnh chuyển đến thư mục được chỉ định bằng đường dẫn đầy đủ.

Lệnh “cd” là một phần quan trọng của việc điều hướng và làm việc với các thư mục trong hệ thống Linux, cho phép bạn truy cập và quản lý tệp và thư mục theo cách thuận tiện.

Khám phá thêm về: Ngôn Ngữ Lập Trình PHP Là Gì? Ứng Dụng Và Ưu Nhược Điểm

3. Lệnh Is

Lệnh ls là một trong các lệnh cơ bản trong Linux được sử dụng để liệt kê (list) các tệp tin trong thư mục hiện tại hoặc một thư mục được chỉ định. Nếu bạn chạy lệnh ls mà không cung cấp thư mục cụ thể, nó sẽ hiển thị danh sách các tệp và thư mục trong thư mục hiện tại mà bạn đang làm việc.

Cú pháp cơ bản của lệnh “ls” là:

ls [tùy_chọn] [đường_dẫn_đến_thư_mục]

Một số tùy chọn phổ biến của lệnh “ls” bao gồm:

  • -l: Hiển thị thông tin chi tiết về các tệp và thư mục, bao gồm quyền truy cập, chủ sở hữu, nhóm, kích thước, ngày và thời gian sửa đổi.
  • -a: Hiển thị tất cả các tệp và thư mục, bao gồm cả các tệp và thư mục ẩn (bắt đầu bằng dấu chấm).
  • -h: Hiển thị kích thước của tệp và thư mục dưới kích thước dễ đọc (ví dụ: KB, MB, GB).

Ví dụ: Khi nhập lệnh ls-lh, bạn sẽ xem được thông tin chi tiết về các tệp và thư mục dưới kích thước dễ đọc của thư mục hiện tại.

4. Lệnh cat

Lệnh cat trong Linux được sử dụng để hiển thị nội dung của các tệp tin trên màn hình hoặc nối (concatenate) nhiều tệp tin lại với nhau. Lệnh này là một trong những lệnh tiện ích cơ bản và mạnh mẽ trong hệ thống Linux và Unix. Cú pháp của lệnh cat để hiển thị nội dung của một tệp tin là: cat [tệp_tin]

Bạn cũng có thể sử dụng lệnh cat nếu muốn nối nhiều tệp tin lại với nhau. Ví dụ, để nối nội dung của “file1.txt” và “file2.txt” thành một tệp mới có tên “combined.txt,” bạn sẽ dùng lệnh sau: cat file1.txt file2.txt > file3.txt.

Lệnh trên sẽ nối nội dung của “file1.txt” và “file2.txt” lại với nhau và lưu kết quả vào tệp “file3.txt.”

5. Lệnh du

Lệnh du (du là viết tắt của “disk usage”) được sử dụng để kiểm tra dung lượng lưu trữ trong hệ thống của bạn. Lệnh này thường được sử dụng để xác định kích thước của các thư mục cụ thể hoặc thư mục cha để kiểm tra tài nguyên đĩa đã sử dụng. Cú pháp cơ bản của lệnh du là:

du [tùy_chọn] [đường_dẫn_đến_thư_mục_hoặc_tệp]

Một số tùy chọn phổ biến của lệnh “du” bao gồm:

  • -h: Hiển thị kích thước dễ đọc với đơn vị như KB, MB, GB.
  • -s: Hiển thị tổng kích thước của thư mục hoặc tệp tin, không hiển thị chi tiết theo từng tệp con.
  • -c: Hiển thị tổng kích thước của tất cả các thư mục hoặc tệp tin và thêm dòng cuối cùng với tổng kích thước.
  • -k: Hiển thị kích thước ở đơn vị KB.
các câu lệnh linux cơ bản
Ví dụ lệnh du

6. Lệnh mkdir

Lệnh mkdir (viết tắt của make directory) được sử dụng để tạo mới một thư mục mới trong hệ thống tệp của bạn. Khi bạn chạy lệnh này, nó sẽ tạo ra một thư mục mới với tên bạn chỉ định. Cú pháp của lệnh này là:

mkdir [tên_thư_mục]

Ví dụ: để tạo một thư mục mới có tên “my_folder,” bạn có thể sử dụng lệnh sau:

mkdir my_folder

Sau khi thực thi lệnh này, thư mục “my_folder” sẽ được tạo trong thư mục hiện tại. Bạn cũng có thể chỉ định một đường dẫn tuyệt đối nếu bạn muốn tạo thư mục ở một vị trí khác trong hệ thống tệp.

Tìm hiểu thêm về: TOP 12 ngôn ngữ thiết kế website 2023 – Nên thiết kế web bằng ngôn ngữ gì?

7. Lệnh mv

Tác dụng chính của lệnh mv trong Linux là move – di chuyển hoặc đổi tên tệp tin và thư mục. Ví dụ, cú pháp mv để di chuyển một tệp tin hoặc thư mục từ vị trí hiện tại đến vị trí mới là: mv [tệp_tin_đầu_tiên] [đường_dẫn_mục_tiêu].

Nếu muốn đổi tên một tệp tin hoặc thư mục, bạn sử dụng cú pháp sau: mv [tên_cũ] [tên_mới]. Ví dụ, bạn muốn đổi tên tệp tin “file2.txt” thành “file1.txt” trong thư mục hiện tại, bạn có thể sử dụng lệnh: mv file2.txt file1.txt.

8. Lệnh rm

Lệnh rm (viết tắt của remove) được sử dụng để xóa tệp tin và thư mục trong hệ thống tẹp của người dùng. Ví dụ, bạn cần xóa một tệp tin có tên “school.txt”, bạn sử dụng lệnh sau: rm school.txt.

Nếu bạn muốn xóa một thư mục cùng với tất cả tệp bên trong đó, bạn sẽ dùng lệnh rm kèm với tùy chọn -r. Ví dụ, bạn muốn xóa thư mục tên name.txt cùng toàn bộ tệp tin và thư mục con của nó, bạn nhập như sau: rm -r name.txt.

các lệnh cơ bản linux
Ví dụ lệnh rm

9. Lệnh rmdir

rmdir là lệnh cơ bản trong Linux được sử dụng để xóa một thư mục trống (không chứa bất kỳ tệp tin hoặc thư mục con nào) khỏi hệ thống tệp của bạn. Cú pháp cơ bản của lệnh “rmdir” là: rmdir [tên_thư_mục].

Ví dụ, để xóa một thư mục trống có tên “my_empty_folder,” bạn sử dụng lệnh sau: “rmdir my_empty_folder“. Lệnh rmdir chỉ hoạt động trên các thư mục trống. Nếu thư mục chứa bất kỳ tệp tin hoặc thư mục con nào, bạn sẽ nhận được một thông báo lỗi.

10. Lệnh locate

locate là lệnh cơ bản trong Linux được sử dụng để tìm kiếm các file trong hệ thống. Bên cạnh đó, sử dụng lệnh này với -i giúp tìm kiếm mà không phân biệt chữ hoa hay chữ thường. Trong trường hợp bạn không nhớ tên chính xác, bạn cũng có thể tìm kiếm được file mình cần.

Nếu cần tìm file chứa từ hai hoặc nhiều từ, hãy sử dụng dấu hoa thị (*). Chẳng hạn bạn cần tìm tất cả file chứa từ “name” và “time” và không phân biệt chữ hoa hay thường, lệnh sau sẽ giúp bạn làm điều đó: locate -i name*time.

11. Lệnh touch

Lệnh touch trong Linux được sử dụng để tạo mới hoặc cập nhật thời gian truy cập và thời gian sửa đổi của một tệp tin. Nếu tệp tin đã tồn tại, lệnh sẽ cập nhật thời gian của nó và nếu tệp tin chưa tồn tại, nó sẽ tạo ra tệp tin mới mà bạn chỉ định. Ví dụ, để tạo một tệp tin mới có tên “example.txt,” bạn có thể nhập: touch example.txt

Nếu tệp tin “example.txt” đã tồn tại, lệnh “touch” sẽ cập nhật thời gian truy cập và thời gian sửa đổi của nó lên thời gian hiện tại. Bạn cũng có thể dùng lệnh này để tạo nhiều tệp tin cùng một lúc. Ví dụ, để tạo ba tệp tin mới có tên “file1.txt,” “file2.txt,” và “file3.txt,” bạn có thể sử dụng: touch file1.txt file2.txt file3.txt

Đọc thêm về: Visual Studio Code Là Gì? 9 Tính Năng Nổi Bật Của VS Code

12. Lệnh sudo

sudo, viết tắt của “superuser do”, được sử dụng để thực thi một lệnh với quyền hạn superuser (hoặc quyền root) trong hệ thống. Superuser (hoặc root) là người dùng có quyền truy cập và quyền kiểm soát cao nhất đối với hệ thống và có khả năng thực thi mọi lệnh và thao tác trong hệ thống.

Bằng cách sử dụng “sudo,” bạn có thể thực thi các lệnh có quyền hạn cao mà bạn không thể thực hiện với quyền người dùng thông thường. Tuy nhiên, hãy sử dụng lệnh “sudo” cẩn thận, vì quyền hạn superuser có thể ảnh hưởng đến hệ thống nếu sử dụng không đúng cách.

lệnh cơ bản linux
Ví dụ lệnh sudo

13. Lệnh grep

Lệnh grep là một trong số các lệnh cơ bản trong Linux sử dụng để tìm kiếm và in ra các dòng của một tệp tin hoặc đối tượng chứa một chuỗi hoặc mẫu cụ thể (pattern). grep cho phép bạn thực hiện tìm kiếm dựa trên nội dung của văn bản và trích xuất các thông tin cần thiết từ tệp tin hoặc dữ liệu. Cấu trúc lệnh grep như sau:

grep [tùy_chọn] [mẫu_tìm_kiếm] [tệp_tin]
  • [tùy_chọn]: Có thể bao gồm nhiều tùy chọn khác nhau để điều chỉnh cách tìm kiếm và hiển thị kết quả.
  • [mẫu_tìm_kiếm]: Đây là chuỗi ký tự hoặc mẫu bạn muốn tìm kiếm.
  • [tệp_tin]: Đây là tệp tin mà bạn muốn thực hiện tìm kiếm trên nó. Nếu bạn không cung cấp tệp tin, “grep” sẽ đọc dữ liệu từ đầu vào tiêu chuẩn (thường là đầu ra của một lệnh trước đó).

Một số tùy chọn của lệnh grep là:

  • -i: không phân biệt chữ hoa chữ thường
  • -w: search theo unit word
  • -l: chỉ hiển thị tên file của file chứa mẫu tìm kiếm
  • -n: hiển thị cùng line number
  • -h: không hiển thị tên file (khi tìm kiếm trên nhiều file)

14. Lệnh find

find là một lệnh cho phép bạn tìm kiếm các tệp tin và thư mục dựa trên các tiêu chí tùy chỉnh như tên tệp, kích thước, quyền hạn, thời gian và nhiều yếu tố khác. Nhưng khác với lệnh locate, find cho phép bạn tìm kiếm file trong một thư mục nào đó. Ví dụ, bạn muốn tìm kiếm tất cả các tệp tin có phần mở rộng “.log” trong thư mục “/var/log” và các thư mục con thì hãy nhập lệnh sau:

find /var/log -type f -name "*.log"

15. Lệnh df

Lệnh df, viết tắt của disk free, được sử dụng để hiển thị thông tin về việc sử dụng đĩa và dung lượng đĩa còn lại trên hệ thống. Nó cung cấp thông tin về các phân vùng đĩa cứng và hệ thống tệp mà bạn có thể sử dụng để theo dõi tình trạng lưu trữ của hệ thống. Cấu trúc của lệnh df là:

df [tùy_chọn]

Một số tùy chọn phổ biến của lệnh “df” bao gồm:

  • -h hoặc --human-readable: Hiển thị dung lượng và kích thước dễ đọc, thay vì hiển thị dưới dạng byte.
  • -T hoặc --print-type: Hiển thị loại hệ thống tệp trên mỗi phân vùng.

Nếu như lệnh du được dùng để xác định kích thước cụ thể của tệp tin và thư mục thì df được dùng để xem tổng quan về tình trạng lưu trữ trên hệ thống và đĩa cứng.

16. Lệnh cp

cp là viết tắt của “copy” và lệnh này được sử dụng để sao chép tệp tin hoặc thư mục từ một vị trí đến vị trí khác. Ví dụ: bạn muốn sao chép tệp tin “name.txt” sang thư mục Files, bạn sử dụng lệnh cp name.txt /home/username/Files.

Lệnh cp cũng có thể sử dụng để sao chép nhiều tệp tin cùng một lúc. Ví dụ, để sao chép các tệp tin “file1.txt” và “file2.txt” từ thư mục hiện tại vào thư mục “/backup”, bạn có thể sử dụng: cp file1.txt file2.txt /backup/.

17. Lệnh head

head trong Linux có công dụng hiển thị nội dung đầu tiên của một tệp tin văn bản. Theo chế độ mặc định, lệnh head sẽ hiển thị 10 dòng đầu tiên của tệp tin nhưng bạn có thể chỉ định số dòng bạn muốn hiển thị. Cú pháp của lệnh này là: head [tùy_chọn] [tệp_tin].

  • [tùy_chọn]: Bạn có thể sử dụng tùy chọn -n để chỉ định số lượng dòng bạn muốn hiển thị. Ví dụ, -n 20 sẽ hiển thị 20 dòng đầu tiên.
  • [tệp_tin]: Tên tệp tin mà bạn muốn hiển thị nội dung.

18. Lệnh tail

Lệnh tail được sử dụng để hiển thị nội dung cuối cùng của một tệp tin văn bản hoặc đầu ra của một lệnh. Như mặc định, nó cũng chỉ hiển thị 10 dòng cuối cùng của tệp tin, nhưng bạn có thể chỉ định số lượng dòng giống như lệnh head. Ví dụ, khi bạn nhập tail -n 20 example.txt thì hệ thống sẽ hiển thị 20 dòng cuối cùng của tệp tin “example.txt”.

19. Lệnh diff

Nếu muốn so sánh nội dung của hai tệp tin văn bản và xác định sự khác biệt giữa chúng, bạn sẽ cần đến lệnh diff. Thông thường, lệnh này được sử dụng để xem các thay đổi đã được thực hiện trên tệp tin. Ví dụ: nếu bạn cần so sánh tệp tin “file1.txt” với tệp “file2.txt” thì bạn có thể nhập diff file1.txt file2.txt.

20. Lệnh tar

Lệnh tar trong Linux là một lệnh để tạo và giải nén các tệp tin hoặc thư mục. Tên “tar” viết tắt cho “tape archive,” xuất phát từ thời kỳ khi nó được sử dụng để sao lưu và khôi phục dữ liệu lên băng từ các máy tính. Để nén tệp tin và thư mục, bạn sử dụng cấu trúc lệnh sau: tar [tùy_chọn] [tên_gói_nén] [tệp_tin_thư_mục]

Các tùy chọn của lệnh tar là:

  • c – Tạo một tệp lưu trữ tar mới.
  • x – Giải nén toàn bộ tệp lưu trữ hoặc một hoặc nhiều tệp từ tệp lưu trữ.
  • t – Hiển thị danh sách các tệp có trong tệp lưu trữ.
  • v – Hiển thị thông tin chi tiết cho bất kỳ hoạt động tar nào trên thiết bị đầu cuối.
  • f – Chỉ định tên của tệp lưu trữ.
  • z – Sử dụng gzip để nén hoặc giải nén tệp lưu trữ.
  • j – Sử dụng bzip2 để nén hoặc giải nén tệp lưu trữ.
  • J – Sử dụng xz để nén hoặc giải nén tệp lưu trữ.
lệnh linux cơ bản
Ví dụ lệnh tar

21. Lệnh chmod

chmod là một trong số các lệnh Linux cơ bản có tác dụng thay đổi quyền truy cập của người dùng đối với các tệp và thư mục. Các quyền truy cập ở đây bao gồm quyền đọc, ghi và thực thi. Có hai phương pháp để xác định quyền truy cập là phương pháp ký hiệu và phương pháp số. Cấu trúc của lệnh chmod là:

chmod [tùy_chọn] [quyền_truy_cập] [tệp_hoặc_thư_mục]

Với phương pháp ký hiệu, bạn sẽ sử dụng các ký tự u, g, o, a để chỉ định nhóm người dùng, các ký tự +, -, = để chỉ định hành động, và các ký tự r, w, x để chỉ định quyền truy cập. Ví dụ: chmod u+x file.txt có nghĩa là thêm quyền thực thi cho chủ sở hữu của tệp file.txt.

Với phương pháp số, các số từ 0 đến 7 để biểu diễn quyền truy cập theo hệ nhị phân. Mỗi số tương ứng với một kết hợp của ba quyền truy cập. Ví dụ: 7 = 111 = rwx, 6 = 110 = rw-, 5 = 101 = r-x, v.v. Quyền truy cập được xác định bằng cách ghép ba số lại với nhau. Ví dụ: chmod 755 file.txt có nghĩa là gán quyền rwx cho chủ sở hữu.

22. Lệnh chown

Lệnh chown là một phần quan trọng trong quản lý quyền truy cập và bảo mật của tệp tin và thư mục trong hệ thống Linux. Lệnh này được sử dụng để thay đổi chủ sở hữu và nhóm sở hữu của các tệp tin và thư mục.

Cú pháp của lệnh chown là: chown [tùy_chọn] [chủ_sở_hữu:nhóm_sở_hữu] [tệp_hoặc_thư_mục]

Ví dụ với câu lệnh chown user1:group1 file.txt, chủ sở hữu của tệp “file.txt” thay đổi thành “user1” và nhóm sở hữu thành “group1”.

23. Lệnh echo

Lệnh echo trong Linux được sử dụng để hiển thị văn bản hoặc giá trị ra màn hình hoặc đầu ra chuẩn. Nó thường được sử dụng trong các kịch bản shell, tập lệnh, hoặc lệnh dòng lệnh để in ra thông điệp hoặc biến. Cấu trúc lệnh echo là: echo [tùy_chọn] [văn_bản].

24. Lệnh wget

wget là viết tắt của “web get,” và nó giúp người dùng thực hiện các tải xuống trực tiếp từ dòng lệnh mà không cần trình duyệt web. Ví dụ, câu lệnh wget https://example.com/file.zip tải xuống tệp “file.zip” từ địa chỉ URL “https://example.com” và lưu nó trong thư mục làm việc hiện tại.

25. Lệnh ping

ping là một dòng lệnh được sử dụng để kiểm tra kết nối mạng giữa máy tính của bạn và một máy chủ hoặc một địa chỉ IP khác trên Internet hoặc trong mạng nội bộ. Chẳng hạn, lệnh ping google.com gửi các gói tin ping đến máy chủ Google.com và hiển thị thông tin về thời gian phản hồi và tình trạng kết nối.

Ví dụ lệnh ping
Ví dụ lệnh ping

26. Lệnh useradd và userdel

Lệnh useradduserdel là các lệnh trong hệ thống Linux và Unix được sử dụng để thêm và xóa người dùng. useradd được sử dụng để thêm một người dùng mới vào hệ thống với cú pháp useradd [tùy_chọn] tên_người_dùng. Ngược lại, userdel được sử dụng để xóa một người dùng khỏi hệ thống và câu lệnh có cấu trúc userdel [tùy_chọn] tên_người_dùng.

Ví dụ: useradd john thêm một người dùng có tên là “john” vào hệ thống. userdel -r john xóa người dùng có tên “john” khỏi hệ thống và loại bỏ tất cả các tệp tin và thư mục liên quan đến người dùng đó (tùy chọn -r).

27. Lệnh uname

Lệnh uname trong hệ điều hành Linux và Unix được sử dụng để hiển thị thông tin về hạt nhân (kernel) của hệ thống hoạt động. Nó cung cấp thông tin về phiên bản kernel, kiến trúc hệ thống và nhiều thông tin khác về hệ thống. Cấu trúc cơ bản của lệnh “uname” là: uname [tùy_chọn].

[tùy_chọn] là các tùy chọn mà bạn có thể sử dụng để hiển thị thông tin cụ thể về hạt nhân. Các tùy chọn thường được sử dụng bao gồm:

  • -s hoặc --kernel-name: Hiển thị tên hạt nhân.
  • -n hoặc --nodename: Hiển thị tên máy chủ (hostname).
  • -r hoặc --kernel-release: Hiển thị phiên bản phát hành của kernel.
  • -v hoặc --kernel-version: Hiển thị phiên bản và thông tin khác về kernel.
  • -m hoặc --machine: Hiển thị kiến trúc của hệ thống.
  • -p hoặc --processor: Hiển thị tên CPU.
  • -i hoặc --hardware-platform: Hiển thị nền tảng phần cứng của hệ thống.
  • -o hoặc --operating-system: Hiển thị tên hệ điều hành.

28. Lệnh top

top là một trong các lệnh cơ bản trong Linux được dùng để theo dõi và quản lý các tiến trình đang chạy trên hệ thống. Nó hiển thị thông tin thời gian thực về tài nguyên hệ thống như CPU, bộ nhớ, tải CPU, và danh sách các tiến trình đang hoạt động.

29. Lệnh man

man là viết tắt của manual, là một lệnh được sử dụng để hiển thị hướng dẫn và tài liệu chi tiết về các lệnh, tệp tin cấu hình, hàm thư viện, và các thành phần hệ thống khác. Chẳng hạn với lệnh man ls, hệ thống sẽ hiển thị hướng dẫn sử dụng lệnh ls giúp liệt kê các tệp tin và thư mục trong thư mục hiện tại.

30. Lệnh kill

Lệnh kill trong Linux được sử dụng để gửi tín hiệu hoặc kết thúc một tiến trình hoạt động trên hệ thống mà bạn không muốn tiếp tục chạy. Cấu trúc của lệnh kill có dạng kill [tùy_chọn] [PID]. Trong đó, [PID] là ID của tiến trình mà bạn muốn chấm dứt và có dạng số nguyên.

31. Lệnh jobs

jobs được sử dụng để liệt kê các tiến trình con (background jobs) đang chạy trong phiên làm việc hiện tại của bạn. Phiên làm việc là một phiên làm việc tương tác với Terminal, và khi bạn chạy một tiến trình trong chế độ nền (background), bạn có thể sử dụng lệnh “jobs” để xem danh sách các tiến trình đó.

Một số ví dụ về cách sử dụng lệnh jobs là:

jobs -1: Hiển thị danh sách các tiến trình con với thông tin chi tiết như PID, trạng thái, tên công việc.

jobs: hiển thị danh sách các tiến trình con đang chạy trong phiên làm việc hiện tại.

lệnh cơ bản trong linux
Ví dụ lệnh jobs

32. Lệnh zip và unzip

Lệnh zipunzip trong hệ thống Unix và Linux được sử dụng để nén và giải nén các tệp và thư mục trong các tệp tin nén có định dạng ZIP. zip được sử dụng để nén các tệp tin và thư mục thành một tệp tin nén ZIP với cấu trúc zip [tùy_chọn] tên_tệp_nén.zip [tệp_cần_nén].

Lệnh unzip được sử dụng để giải nén các tệp tin nén ZIP có mẫu lệnh là unzip [tùy_chọn] tên_tệp_nén.zip. Ví dụ, bạn muốn giải nén một tệp tin vào thư mục hiện tại thì chỉ cần nhập câu lệnh sau: unzip tên_tệp_nén.zip.

33. Lệnh finger

finger là một lệnh trong Linux có tác dụng hiển thị thông tin về người dùng hệ thống, bao gồm tên đăng nhập, tên đầy đủ, trạng thái kết nối, thời gian đăng nhập gần đây, và nhiều thông tin khác liên quan đến tài khoản người dùng. Ví dụ, bạn muốn xem thông tin của người dùng tên “alissa”, câu lệnh bạn cần sử dụng là finger alissa.

34. Lệnh history

Lệnh history giúp người dùng xem lại và tái sử dụng các lệnh đã nhập trước đó mà không cần gõ lại từ đầu. Khi nhập lệnh history, hệ thống sẽ hiển thị danh sách các lệnh đã được thực thi trong phiên làm việc hiện tại hoặc các phiên làm việc trước đó. Cú pháp sử dụng lệnh history là history [tùy_chọn]

Một số tùy chọn phổ biến bao gồm:

  • -c: Xóa toàn bộ lịch sử của phiên làm việc hiện tại.
  • -w: Lưu lại lịch sử hiện tại vào tệp tin lịch sử (mặc định là ~/.bash_history).
  • -r: Đọc lại lịch sử từ tệp tin lịch sử.

35. Lệnh exit

Dễ hiểu như tên của mình, lệnh exit được sử dụng để đóng một phiên làm việc hoặc thoát khỏi Terminal hoặc cửa sổ dòng lệnh hiện tại. Khi bạn sử dụng lệnh “exit,” nó sẽ kết thúc phiên làm việc và đưa bạn trở lại màn hình chính hoặc thoát khỏi Terminal nếu không có phiên làm việc nào còn đang chạy.

36. Lệnh curl

curl trong hệ thống Unix và Linux là một lệnh được sử dụng để tải xuống hoặc gửi dữ liệu từ hoặc đến một URL bằng giao thức HTTP, HTTPS, FTP, SCP, SFTP, và nhiều giao thức khác. Cấu trúc lệnh curl là curl [tùy_chọn] [URL].

Một số tùy chọn phổ biến của curl bao gồm:

  • -O: Tải xuống và lưu trữ nội dung từ URL vào một tệp tên giống với tên của tệp gốc trên máy tính của bạn.
  • -L: Theo dõi các liên kết chuyển hướng (redirects) nếu có.
  • -d: Gửi dữ liệu POST đến URL.
  • -u: Xác thực bằng cách sử dụng tên người dùng và mật khẩu.

37. Lệnh gzip

gzip được sử dụng để nén tệp tin hoặc thư mục thành định dạng nén có phần mở rộng “.gz”. Gzip là một phương pháp nén dữ liệu phổ biến trong hệ thống Unix và Linux để giảm dung lượng của các tệp tin và tiết kiệm không gian lưu trữ. Một số tùy chọn phổ biến bao gồm:

  • -d hoặc --decompress: Giải nén các tệp tin đã được nén bằng gzip.
  • -r hoặc --recursive: Nén tất cả các tệp con trong thư mục (chỉ áp dụng khi nén thư mục).
  • -k hoặc --keep: Giữ lại tệp gốc sau khi nén.
  • -c hoặc --stdout: Hiển thị dữ liệu nén trên stdout thay vì tạo tệp tin nén.
Ví dụ lệnh gzip
Ví dụ lệnh gzip

38. Lệnh less

less trong Linux là một lệnh để xem nội dung của tệp tin một cách linh hoạt và tiện lợi với các thao tác cuộn, tìm kiếm, lọc khá dễ dàng. Câu lệnh less có dạng như sau: less [tùy_chọn] [tệp_văn_bản]

Các tùy chọn của lệnh less là:

  • -N: Hiển thị số dòng trên màn hình.
  • -i: Không phân biệt chữ hoa chữ thường (case-insensitive).
  • -q: Thoát khỏi “less” ngay lập tức nếu tệp văn bản ngắn hơn một trang.
  • --help: Hiển thị trợ giúp về cách sử dụng “less.”

39. Lệnh passwd

Lệnh passwd là một trong các lệnh cơ bản của Linux được sử dụng để thay đổi mật khẩu của một người dùng. Chức năng chính của lệnh “passwd” là cho phép người dùng thay đổi mật khẩu hiện tại của họ hoặc cho quản trị viên (root) thay đổi mật khẩu của một người dùng khác.

Ví dụ, bạn muốn đổi mật khẩu cho người dùng “john” trong hệ thống, bạn thực hiện câu lệnh sau: passwd john. Nếu bạn không chỉ định tên người dùng, hệ thống sẽ đặt mật khẩu cho tài khoản của người dùng hiện tại.

40. Lệnh groups

groups là một lệnh được sử dụng để hiển thị danh sách các nhóm người dùng mà một tài khoản người dùng thuộc về. Để liệt kê các nhóm của một người dùng khác, chẳng hạn như john, bạn có thể nhập: groups john. Kết quả đầu ra hiển thị như sau:

john : john adm cdrom sudo dip plugdev lpadmin sambashare

Điều này có nghĩa là người dùng john thuộc về tám nhóm: john, adm, cdrom, sudo, dip, plugdev, lpadmin và sambashare.

Lời kết

Những lệnh này giúp bạn thực hiện nhiều tác vụ quan trọng, từ quản lý tệp tin và thư mục, kiểm tra quyền truy cập, theo dõi tiến trình, đến tương tác với mạng và nhiều tác vụ khác.

Như vậy, bài viết trên đã giới thiệu cho bạn các lệnh cơ bản trong Linux mà lập trình viên cần biết. Hy vọng VuiLaShare.Com đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích và đừng quên chia sẻ bài viết nếu thấy hay nhé!

TinNhanhVn.Com - Nơi hội tụ thông tin thời sự nhanh chóng và chính xác với phân tích chuyên sâu

Hãy tạo ra một cộng đồng lành mạnh và chia sẻ kiến thức với nhau nhé.

Thông Báo Mới