The Bridge Curse: Road to Salvation có tựa gốc tiếng Trung là Nữ Quỷ Kiều: Khai Hồn Lộ. Nếu tạm dịch tựa tiếng Việt thành Cầu Ma Nữ: Con Đường Khai Tâm cũng đậm màu sắc tâm linh. Softstar Entertainment thì chẳng hề xa lạ với những ai yêu thích series game nhập vai Hiên Viên Kiếm và Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm đầu tay của nhà phát triển này khi muốn tìm hướng đi mới với thể loại phiêu lưu rùng rợn đầy ma mị. Vốn không có kinh nghiệm phát triển dòng game này, nên định hướng của họ cũng là những lựa chọn an toàn.
Những năm gần đây, dòng game kinh dị đang có sự thay đổi như một xu hướng khi giảm dần yếu tố kinh dị, tăng dần khía cạnh kể chuyện. The Bridge Curse: Road to Salvation cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đáng chú ý, trái ngược Detention của “đồng hương” Red Candle được chuyển thể thành phim điện ảnh nhờ danh tiếng của trò chơi, sản phẩm của Softstar Entertainment lại được chuyển thể từ bộ phim kinh dị rùng rợn The Bridge Curse của đạo diễn Đài Loan Hề Nhạc Long. Tuy cả hai sản phẩm Cầu Ma Nữ đều không được đánh giá cao nhưng cũng lượng fan cứng nhất định.
The Bridge Curse: Road to Salvation lấy bối cảnh ở đại học Đông Hồ, đưa người chơi theo chân nhóm sáu sinh viên “chơi ngu lấy tiếng”, bày trò thử thách lòng can đảm của nhau. Tương truyền nơi đây có hồn ma nữ sinh do “mê trai đầu thai không hết”, trú ngụ ở cây cầu trong khuôn viên trường. Cuộc thử thách không ngờ lại đẩy cả nhóm vào nhiều sự việc kỳ quái, cụ thể là bị ma nữ săn đuổi. Người chơi phải giúp các thành viên giải những câu đố, tìm cách hóa giải lời nguyền của ma nữ thông qua thu thập manh mối và các vật phẩm cần thiết.
Trải nghiệm game đưa người chơi điều khiển các nhân vật khác nhau, vừa khám phá môi trường vừa tìm hiểu tính cách của mỗi nhân vật. Yếu tố thao túng tâm lý của trò chơi để dọa ma người chơi chủ yếu là các phân đoạn hết hồn chim én, kết hợp cùng cá tính của mỗi người. Chẳng hạn có nhân vật yếu bóng vía nên rất dễ hốt hoảng, có nhân vật hoàn toàn tự tin và cũng có nhân vật lại đa nghi như Tào Tháo. Vấn đề ở chỗ, khâu lồng tiếng trong Bridge Curse: Road to Salvation khá kém, không tạo được cảm xúc sợ hãi cần thiết cho dàn nhân vật, đặc biệt là phần lồng tiếng Anh.
Người viết khuyến cáo bạn chọn lồng tiếng Trung để đỡ ức chế hơn, dù giải pháp này cũng không giúp ích nhiều trong trải nghiệm game. Điều thú vị là The Bridge Curse: Road to Salvation còn được chuyển ngữ sang tiếng Việt, không phải chỉ riêng nền tảng PC như Returnal mà cả trên các hệ máy console mà trò chơi phát hành. Nếu người viết không lầm, bản Việt hóa được thực hiện bởi The Red Team vốn được không ít người chơi trong nước biết đến. Tuy nhiên, tôi cũng không đánh giá cao bản phụ đề Việt vì câu chữ dài dòng và lời thoại còn thiếu tự nhiên.
Thật ra chất lượng chuyển ngữ tiếng Anh cũng không khá hơn mấy, khiến tôi liên tưởng Bridge Curse: Road to Salvation lại là nạn nhân trong khâu chuyển ngữ của vô số game tiếng Trung bấy lâu nay. Hai ví dụ điển hình và cũng do Softstar Entertainment phát triển là Sword & Fairy 6 (Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện 6) và Sword & Fairy Inn 2. Vô tình, vấn đề chuyển ngữ cũng làm mất đi phần nào cá tính của các nhân vật. Dù điều này chưa đến mức phá hỏng trải nghiệm game, nhưng cũng là điều khá đáng tiếc ở khía cạnh phát triển nhân vật và kể chuyện.
Để lại cho người viết cảm xúc trái chiều là yếu tố nghe nhìn. Trong khi chất lượng âm thanh tiếng động khá tốt và phù hợp với diễn biến trong trải nghiệm game, đồ họa lại không đồng nhất về chất lượng. Phiên bản PC có hiệu ứng ánh sáng khá ấn tượng với mức độ chi tiết cao trong xây dựng môi trường, nhưng hình dựng nhân vật cứ như được lấy từ một hay hai thế hệ console trước vậy. Hài hước là sự tương phản này chỉ mất đi, tạo chất lượng hình ảnh đồng nhất trên phiên bản Switch do hạn chế phần cứng của hệ máy này, khiến những cảnh nhát ma ít đáng sợ hơn.
Mặc dù vậy, so với nền tảng sở hữu chất lượng đồ họa tốt và ít đồng nhất hơn như Xbox nhờ phần cứng mạnh, trải nghiệm cảm giác rùng rợn trong Bridge Curse: Road to Salvation trên Switch cũng không khác biệt nhiều. Nguyên nhân là đội ngũ phát triển xây dựng những phân đoạn nhát ma khá nhạt nhòa và không đủ gây sợ hãi, dù họ làm tốt hơn nhiều so với Thần Trùng. Điều này có lẽ không cần bàn cãi vì xét về quy mô phát triển và mức giá của trò chơi, Cầu Ma Nữ của Softstar Entertainment đều vượt xa tựa game đầu tay của DUT Studio.
Lối chơi của Bridge Curse: Road to Salvation chủ yếu được xây dựng trên cơ chế thử sai, khó lòng dành cho những ai không thích trải nghiệm nặng tính lặp lại. Chẳng hạn ở đầu trải nghiệm, người chơi bị ma nữ đuổi và phải chạy đi tìm chỗ trốn thông qua yếu tố trên. Trò chơi hầu như không có gợi ý đường đi rõ ràng. Những cảnh trốn tìm luôn xoay quanh cơ chế kể trên, cứ thử trốn để tìm sai và thử lại đến khi thành công. Đáng nói, những lần sai lại buộc bạn phải chơi lại từ đầu đoạn đó, ít nhiều cũng gây ức chế do cơ chế này không dừng lại ở những phân cảnh kể trên.
Điểm cộng duy nhất của Bridge Curse: Road to Salvation là khía cạnh giải đố. Phần lớn đều là những câu đố thú vị và không quá thử thách, nếu không nói đơn giản. Đó có thể là xoay dây nối mạch điện hay thu thập vật phẩm và đưa vào đúng vị trí. Với những ai thường trải nghiệm những tựa game giải đố logic hoặc phức tạp như Logic – Keypad, các câu đố trong Cầu Ma Nữ có lẽ quá đơn giản và có thể là điểm trừ khác của trò chơi. Dù vậy ở cương vị người chơi, chúng là điểm cộng vì mang đến cho tôi khoảng thời gian thư giãn xen giữa những thiết kế kém hào hứng của game.
Sau cuối, The Bridge Curse: Road to Salvation là trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn góc nhìn thứ nhất có ý tưởng thú vị, nhưng lại sở hữu nhiều thiết kế cũ kỹ với tư duy an toàn của đội ngũ phát triển. Điều này dẫn tới cảm giác kém hào hứng trong trải nghiệm, nếu không nói chưa tạo được dấu ấn riêng cho trò chơi, nhất là với những fan cứng của dòng game kinh dị.
The Bridge Curse: Road to Salvation hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Switch.
The Bridge Curse Road to Salvation ($ 19.99, Steam) →
The Bridge Curse: Road to Salvation ($29.99, Microsoft Store) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của HayCode.NetXem thêm bài đánh giá các game khácHayCode.Net viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!